Sản xuất điện từ bã mía

Sản xuất điện từ bã mía

Hiện nay, cả hai nhà máy đường trong tỉnh đang thực hiện sản xuất điện từ bã mía, góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường.


Phát điện dư công suất


Từ năm 2006, Nhà máy Đường Ninh Hòa (Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa) đã sản xuất điện sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp là bã mía. Với năng lực chế biến đường 1.800 tấn mía/ngày, nhà máy đã đưa vào vận hành tổ hợp gồm 2 lò hơi (25 tấn hơi/lò) và turbine 3MW, chủ động nguồn điện phục vụ sản xuất của nhà máy. Năm 2010, nhà máy nâng công suất chế biến đường lên 3.000 tấn mía/ngày, lò hơi và turbine công suất lên 60 tấn hơi và 6MW; lúc này nhà máy đã dư thừa công suất và bắt đầu phát điện lên lưới điện quốc gia. Với năng lực này, công suất điện của nhà máy đã đạt 7 triệu KWh/năm, bình quân 1 giờ sản xuất 2,5MW. Năm 2013, năng lực chế biến đường nâng lên 5.200 tấn mía/ngày, lượng bã dư thừa rất lớn, Tập đoàn TTC - đơn vị chủ quản đã quyết định thành lập một đơn vị mới, chuyên kinh doanh điện sinh khối là Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Ninh Hòa. Năm 2014, công ty đi vào hoạt động, vận hành hệ thống lò hơi 170 tấn hơi/giờ, lò cao áp suất 6,8Mpa, turbine máy phát công suất 30MW, hệ thống đường dây 110kV truyền tải điện dài 5,7km, tổng vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng, chủ động phát điện và đấu nối vào lưới điện quốc gia.

 

Theo ông Hồ Nhẫn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Ninh Hòa, nguyên lý sản xuất điện sinh khối rất đơn giản, phế phẩm là bã mía sau khi chế biến đường được đưa vào đốt sinh công chạy máy phát điện. Với dây chuyền hiện tại, bình quân 1 tấn mía sản xuất được 55KWh (sau khi đã trừ sản lượng điện cho sản xuất), nếu công suất chế biến đường tăng thì công suất điện tăng. Từ đầu vụ mía 2016 - 2017 đến nay, nhà máy đã chế biến được 625.000 tấn mía, công suất phát điện xấp xỉ 34,6 triệu KWh.


Tương tự, Nhà máy Đường Khánh Hòa (Công ty TNHH Đường Khánh Hòa) cũng sản xuất điện sinh khối từ bã mía từ nhiều năm nay, nhằm cung cấp điện và hơi nước cho sản xuất đường. Lò hơi của nhà máy hiện nay có công suất 260 tấn hơi/giờ, cùng với 2 tổ máy turbine phát điện bằng hơi nước có tổng công suất 60MW. Sau khi cân đối đủ cho dây chuyền sản xuất đường của nhà máy, phần công suất điện dư ra đã được phát lên lưới điện quốc gia, tối thiểu 8MW/giờ.

 

Vận hành phát điện tại Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Ninh Hòa

Vận hành phát điện tại Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Ninh Hòa


Giá mua điện thấp


Theo ông Nhẫn, khi chưa sản xuất điện, bã mía dư thừa gây ô nhiễm, nhà máy phải vận chuyển cho các đơn vị có nhu cầu, tốn chi phí, đôi khi là nguyên nhân của cháy nổ. Khi đầu tư phát điện, môi trường được bảo đảm, năng lực đủ cung cấp cho các hoạt động sản xuất, còn dư thừa công suất bán điện lên lưới điện quốc gia. Riêng bã tro sau khi thu hồi, có thể chế biến phân vi sinh rất tốt. Mặt khác, việc sản xuất điện từ bã mía chủ yếu vào mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 5, 6 năm sau), mùa cao điểm thiếu điện, góp phần giải quyết tình trạng căng thẳng về điện. Hiện tại, năng lực phát điện của Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Ninh Hòa đáp ứng 8% nhu cầu tiêu thụ điện toàn tỉnh.


Còn theo ông Đỗ Thành Liêm - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đường Khánh Hòa, sản xuất điện từ bã mía được các quốc gia tiên tiến trên thế giới khuyến khích, vì đây là loại nhiên liệu xanh, giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch, giúp cải thiện môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính. Hiện nay, cây mía không chỉ là cây thực phẩm, mà còn được xem là cây cung cấp năng lượng vì hệ số sinh khối của cây mía cao hơn các loại cây khác.

 

Giá bán điện theo Quyết định 24/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (24-3-2014) về hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam: Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện dư từ các dự án đồng phát nhiệt - điện sử dụng năng lượng sinh khối với giá điện tại thời điểm giao nhận là 5,8 UScent (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, do giá mua điện sản xuất từ bã mía thấp nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp chế biến đường đầu tư. Ông Nhẫn cho rằng, hiện nay, năng lực sản xuất điện của đơn vị chưa phát huy hết công suất, bởi phương án mua bã mía từ các nhà máy đường (chưa phát điện) trong khu vực chưa hiệu quả. “Giá mua điện hiện tại là 5,8 UScent/kWh, tương đương 1.260 đồng/kWh. Bình quân 100 tấn bã mía sản xuất được 37MW, nếu vận chuyển số bã mía về nhà máy thì chi phí vận chuyển hết 600.000 đồng/tấn. Theo tính toán, tiền bán điện chỉ được 47 triệu đồng, trong khi chi phí vận chuyển 60 triệu đồng là không khả thi…,” ông Nhẫn nói.


Đồng quan điểm này, ông Liêm cho biết, so với các nước như: Ấn Độ, Thái Lan, Phillipines, Brazil, chính sách giá mua điện sinh khối từ bã mía của Việt Nam thấp hơn 50% của các quốc gia nói trên. Đây chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào điện sinh khối.

Bài viết khác:

Nhập thông tin của bạn để nhận thông tin mới nhất

Zalo
Hotline